Chiều ngày 21/10, tại khách sạn Modial – Huế, Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội thảo với chuyên đề “Ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp đô thị”.
Tham dự Hội thảo có ông Lê Quốc Thanh – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cùng các Ông/Bà thuộc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Ông Hồ Vang – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế; đại diện lãnh đạo các Trung tâm khuyến nông các tỉnh thành trong cả nước cùng sự tham gia của các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp, nông dân và 18 thành viên câu lạc bộ Khuyến nông đô thị.
Đây là hoạt động nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp; cung cấp các thông tin về hiện trạng, định hướng và các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật mới cho người sản xuất góp phần phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng bền vững; tạo điều kiện giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, những vướng mắc của các nông dân trong việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp.

Hội thảo thu hút động đảo các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp, nông dân và các thành viên câu lạc bộ Khuyến nông đô thị
Phát biểu tại Hội thảo, Ông Hồ Vang – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Nghị quyết 54/NQ-CP ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã chỉ rõ: Xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, công nghệ thông tin và truyền thông là đột phá, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng. Vì vậy trong giai đoạn hiện nay, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp, hướng đến nông nghiệp thông minh là một việc làm cấp bách và cần thiết.
Với vai trò là đơn vị tham mưu cho tỉnh Thừa Thiên Huế trong việc phát triển CNTT cũng như những ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực, đối với lĩnh vực Nông nghiệp, Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế (HueCIT) đã và đang triển khai 03 nội dung nhằm thiết thực hỗ trợ người dân trong việc ứng dụng CNTT và truyền thông trong công tác sản xuất và phân phối nông sản, cụ thể: Hỗ trợ quảng bá nông sản cho người dân trên môi trường Internet thông qua các chuyên trang truyền thông trên Trang thông tin điện tử Khám phá Huế (khamphahue.com.vn); Hướng dẫn cho người dân về thương mại điện tử và phát triển thương hiệu cho các sản vật/dịch vụ của các hộ kinh tế cá thể/hợp tác xã/doanh nghiệp trên địa bàn các Huyện/Thị xã/Thành phố Huế trên Trang Khám phá Huế; đồng thời phối hợp với trường Đại học Nông lâm Huế nghiên cứu và phát triển giám sát ao nuôi thông minh với phương pháp tích hợp dữ liệu IoT áp dụng trí tuệ nhân tạo - Ông Hoàng Bảo Hùng, Giám đốc Trung tâm HueCIT cho biết.
Được biết, HueCIT cũng đang phối hợp với Hợp tác xã Nông nghiệp số trong việc nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ và đào tạo, tư vấn kỹ thuật trong lĩnh vực CNTT – truyền thông và chuyển đổi số trong nông nghiệp và phát triển nông thôn theo định hướng chiến lược xây dựng Nông thôn thông minh kết nối Đô thị thông minh.

Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia phát biểu định hướng tại Hội thảo
Hội thảo còn có sự tham gia của 16 tham luận, tập trung giới thiệu các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp ở các địa phương; nêu những vấn đề khó khăn, trở ngại cũng như đề xuất một số giải pháp để thúc đẩy việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất có hiệu quả.
Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia nhận định: Cần nhận diện “Khuyến nông đô thị” bắt đầu từ nông nghiệp đô thị, từ đó lượng hóa sản phẩm của nông nghiệp đô thị như thế nào để tìm ra giải pháp ứng dụng khoa học kỹ thuật phù hợp cho nông nghiệp đô thị, trong đó yếu tố sinh thái, cảnh quan phải đặt lên hàng đầu; nông nghiệp sạch, có giá trị cao; nông nghiệp gắn với du lịch và trải nghiệm… Đồng thời, Ông Thanh cũng đề nghị các Trung tâm Khuyến nông của mỗi địa phương bên cạnh việc tham quan, học tập các mô hình hay, ứng dụng mới của các tỉnh bạn, cần nắm bắt nhu cầu từ xã hội, chủ động xây dựng đề án, chiến lược, giải pháp cụ thể gắn liền với địa phương để từ đó dễ dàng triển khai hơn với tình hình của mỗi địa phương.