Thời đại công nghệ 4.0 lên ngôi đã kéo theo một sự bùng nổ đáng kể về công nghệ thông tin (CNTT). Ngành nghề nào cũng đều được công nghệ hóa để phù hợp với nhu cầu sử dụng của xã hội hiện nay. Từ chính quyền chuyển dần sang chính quyền điện tử, từ giáo dục truyền thống cũng đang được lồng ghép song hành với giáo dục điện tử… Tất cả mọi ngành nghề giờ đây đều được lồng ghép công nghệ, hiện đại hóa để trở nên ngày một tiện dụng hơn và tiết kiệm thời gian hơn.
HueCIT đã và đang là điểm đến của các hoạt động hợp tác đào tạo, tư vấn tuyển sinh, giới thiệu việc làm...
Hòa nhập cùng xu hướng đó và để đáp ứng được sự bùng nổ công nghệ ấy, việc định hướng nghề nghiệp đối với các bạn trẻ hiện nay cũng có xu hướng công nghệ hóa theo. Giới trẻ hiện nay chính là đội ngũ có tỷ lệ tiếp cận và học hỏi công nghệ nhanh nhất, có nhu cầu sử dụng nhiều nhất và cũng là đội ngũ sử dụng thành thạo các thiết bị công nghệ nhất. Chính vì thế, CNTT sẽ là một trong những ngành thu hút nhiều bạn trẻ nhất.
Tuy nhiên, ngành CNTT không những đòi hỏi người học phải có tư duy, logic tốt mà còn đòi hỏi người học phải có cả niềm đam mê với ngành nghề thì mới thật sự phát triển được về lâu dài và có nhiều cơ hội thành công trong sự nghiệp.
Với các khái niệm "Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0", "Thời đại kỷ nguyên số hóa" hay “Chuyển đổi số”… thì chắc hẳn chúng ta ai cũng háo hức muốn tham gia ngành công nghiệp này, đúng không?! Và lý do là gì?! – Vâng, bởi vì nó quá hấp dẫn với nhiều tiềm năng trong tương lai, và nó cũng tạo ra cho chúng rất nhiều cơ hội trong sự nghiệp. Vậy, chúng ta có nên theo CNTT không? hay ngành CNTT có phù hợp với bản thân chúng ta không? Với những câu hỏi đó, thì chỉ có chính chúng ta mới có thể trả lời được.

Hướng dẫn sinh viên Đại học Huế về các ứng dụng CNTT trong học tập giúp các em có thêm kỹ năng mềm
cũng như đam mê về lĩnh vực "đột phá" của tỉnh
Ở tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng cũng như ở Việt Nam nói chung, việc phát triển nguồn nhân lực ngành CNTT cũng đang phát triển theo xu thế đáp ứng nhu cầu xã hội và đang được các lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm. Trong đó, Thừa Thiên Huế là Top 05 tỉnh dẫn đầu về công nghiệp CNTT.
Theo Kế hoạch số 20/KH-UBND ngày 03 tháng 02 năm 2020 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc Phát triển nguồn nhân lực CNTT tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2020, Trung tâm CNTT tỉnh Thừa Thiên Huế (Trung tâm) là đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì thực hiện.
Trong năm 2020, Trung tâm đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Trung tâm Xúc tiến đầu tư - Sở Kế hoạch và Đầu tư, Hội Công nghiệp phần mềm tỉnh triển khai kế hoạch tổ chức gặp mặt cộng đồng, nhân lực CNTT đang làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt là người Huế sống và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh và doanh nghiệp CNTT tại thành phố Hồ Chí Minh nhằm thu hút nhân lực CNTT về làm việc cho Huế; xúc tiến đầu tư, kêu gọi doanh nghiệp về đầu tư vào nền công nghiệp CNTT tỉnh Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 kéo dài nên Kế hoạch trên đã không thực hiện được.
Trung tâm đã thay đổi phương án tổ chức hoạt động trên bằng hình thức tổ chức các buổi định hướng nghề nghiệp về lĩnh vực CNTT và đối tượng được hướng đến là đội ngũ học sinh, sinh viên (HSSV) từ các trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông và cao đẳng, đại học trên toàn tỉnh. Ngoài ra, Trung tâm còn phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức các buổi định hướng nghề nghiệp cho bộ đội xuất ngũ và quân nhân hoàn thành nghĩa vụ.

Mở rộng đối tượng hướng nghiệp trong lĩnh vực CNTT là một trong những hoạt động mới của HueCIT
nhằm gia tăng nguồn nhân lực CNTT cho tỉnh trong thời gian tới
Trong quá trình tổ chức thực hiện, Trung tâm đã kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp nhằm mở rộng mối quan hệ hợp tác đồng thời hỗ trợ và định hướng cho học sinh, sinh viên trong việc tiếp cận các cơ hội việc làm phù hợp với chuyên ngành đào tạo, giúp các em có thêm công cụ định hướng tư duy trong việc đưa ra quyết định sự nghiệp của mình.
Tại các sự kiện này, HSSV và những người quan tâm về lĩnh vực CNTT đã được các chuyên gia đến từ các doanh nghiệp uy tín và có trình độ chuyên môn cao trên địa bàn tỉnh chia sẻ về kiến thức, kỹ năng cần thiết về lĩnh vực CNTT; định hướng về lộ trình nghề nghiệp với mục tiêu cụ thể, rõ ràng; xây dựng và hình thành tính cách và thái độ chuyên nghiệp, tích cực trong công việc tương lai. Các em được tham gia thảo luận cùng các chuyên gia các vấn đề về kỹ thuật mới, công nghệ mới và các sản phẩm ứng dụng công nghệ mới.
Tuy nhiên, qua các buổi định hướng nghề nghiệp về CNTT và những con số thống kê việc làm từ thực tế, chúng ta nhận thấy một điều rằng: cung và cầu trong đào tạo nguồn nhân lực CNTT tại tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn chưa có sự “đồng điệu”, dẫn đến bị “chảy máu chất xám” nguồn CNTT.
Sau khi hoàn thành khóa học, đa số các em chuyên ngành CNTT đã ưu tiên xác định và chọn con đường lập nghiệp tại các tỉnh, thành khác như: thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng và Hà Nội với một lý do khá rõ ràng, đó là các em có được nhiều cơ hội về việc làm hơn, mức lương cũng khá hấp dẫn hơn. Chính vì thế, nguồn nhân lực CNTT tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã bị “trôi dần” qua các tỉnh, thành khác. Trong khi đó, đội ngũ giảng viên của các trường đại học, cao đẳng đã nỗ lực hết sức để đào tạo được đội ngũ CNTT với chất lượng tốt với mong muốn các em sẽ phục vụ cho tỉnh nhà. Tuy nhiên, chính sách để thu hút các em ở lại trường tham gia giảng dạy, cũng như việc ở lại phục vụ tỉnh nhà vẫn chưa đủ “hấp dẫn”, dẫn đến các em phải tự tìm cho mình những cơ hội tốt hơn.
Đây chính là điều mà nhiều giảng viên chuyên ngành CNTT, cũng như Trung tâm đang rất trăn trở và muốn làm một điều gì đó để cùng với lãnh đạo tỉnh đưa ra những phương án, những chính sách phù hợp nhằm thu hút các em.
Hoặc như, một số chuyên ngành thuộc lĩnh vực CNTT thật sự quá khó để tìm được một vị trí việc làm như: chuyên ngành Quản trị mạng. Tuyển sinh, rồi đào tạo, nhưng đầu ra của các em sẽ thế nào đây? Các em sẽ làm việc ở cơ quan, đơn vị nào? Số lượng tuyển dụng các em được bao nhiêu? Cơ hội việc làm của các em đáp ứng bao nhiêu %? Đây là những câu hỏi mà không những chỉ dành riêng chúng tôi - là những nhà hướng nghiệp, mà còn là những câu hỏi mà các giảng viên chuyên ngành CNTT thật sự rất quan tâm.
Đối với những trường hợp này, Trung tâm CNTT tỉnh với vai trò vừa là cơ sở đào tạo, vừa là đơn vị được giao nhiệm vụ định hướng nghề nghiệp CNTT cho các em, chúng tôi đã định hướng cho các em học thêm một số chứng chỉ liên quan đến chuyên ngành CNTT để giúp các em có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm hơn, bởi vì hơn ai hết, các em chính là nguồn nhân lực đầy tiềm năng mà chúng ta cần phải giữ lại để phục vụ cho tỉnh nhà.
Đối với những sinh viên tốt nghiệp từ các chuyên ngành không thuộc lĩnh vực CNTT nhưng mong muốn của các em được trở thành một Lập trình viên phần mềm, một kỹ thuật viên CNTT… thì Lập trình viên Quốc tế (Lập trình Aptech), Lập trình web với PHP, Lập trình Java… là những Chứng chỉ sẽ giúp cho các em có rất nhiều cơ hội để chuyển đổi nghề.
Thực tế cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp đều có tâm lý chờ đợi, đứng ngoài hoạt động đào tạo và chỉ mong muốn lấy nhân lực, mà chưa có trách nhiệm hợp tác với các trường đại học, cao đẳng trong vấn đề đào tạo. Vậy những định hướng nào sẽ phù hợp để thu hút và phát triển 10.000 nhân lực CNTT cho tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025 theo Kế hoạch đã đặt ra?! Thiết nghĩ đây là một bài toán không hề dễ dàng nhưng có thể phân kỳ các vấn đề đã nêu ở trên để triển khai ngay từ bây giờ, nhưng trên hết vẫn cần sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa Nhà trường, Nhà Doanh nghiệp và các em học sinh, sinh viên để có thể hỗ trợ, tạo động lực cho nhau cùng phát triển.