Rất khó lý giải vì sao bản thân không phải là người Huế nhưng lại gắn bó với Huế, với những hoạt động quảng bá văn hóa Huế nhiều đến như vậy. Chỉ có thể cắt nghĩa, bởi vì một chữ Duyên với Khám phá Huế.
Nhớ lại những ngày đầu bén duyên với Khám phá Huế, nếu như những hoạt động, sự việc diễn ra đều rất đỗi bình thường đối với mọi người thì đối với tôi đều hết sức mới mẻ, lạ lẫm. Và tôi đã học cách tiếp thu mọi việc, chụp lại mọi thứ trên những cung đường tôi đã đi qua, phỏng vấn những người mà mình có cơ hội được gặp. Và viết. Những bài viết về những chứng nhân lịch sử, về nhịp sống đương thời, về những món ăn đặc trưng, những lễ hội riêng có của Huế… Mỗi một bài viết đều cho tôi một trải nghiệm, một cảm nhận khác nhau, nhưng có lẽ mỗi lần có dịp đi tác nghiệp về các chủ đề liên quan đến Tết vẫn đem lại những cảm xúc khó quên.

Khám phá Huế vinh dự là đơn vị bảo trợ truyền thông cho chương trình "Tết Huế" năm 2021
Tôi đã thấy sự tỉ mỉ, chịu thương chịu khó của những người nông dân Huế trồng hoa và chăm sóc hoa để căn sao cho hoa nở đúng dịp tết cho được giá. Dù thời tiết có nắng gắt khiến hoa mai nở sớm thì làm sao để hãm lại hay thời tiết giá lạnh thì phải chưng đèn cho ấm để kích thích hoa ra nhiều nụ như thế nào, làm nhà lưới ra sao để tránh sương muối… Để chăm hoa, những người nông dân bắc chòi canh ngay tại ruộng, ăn với hoa, ngủ với hoa. Họ bảo “có tết hay không là từ vựa hoa ni đây”, mới hiểu câu “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa” là vậy. Nhưng cũng có những người vừa trồng hoa nhưng cũng vừa chơi hoa. Có những chậu hoa đẹp, họ chưng ra nhưng không bao giờ bán, chỉ là để tìm những người tâm giao, có chung sở thích để nhìn cây để đàm đạo, bình phẩm. Sự tao nhã của người Huế không đến từ nhung lụa bên ngoài mà chính trong cốt cách, trong lối hành xử của mỗi người dù cho nghề nghiệp của họ là gì đi chăng nữa.
Tôi đã thấy trong sự hối hả của những làng nghề truyền thống dịp tết, có sự từ tốn mang cốt cách của người Huế; có sự thông tuệ trong ý niệm giữ gìn và bảo tồn nghề; có cả sự chật vật của những mảnh đời tìm kế mưu sinh những ngày cận kề tết như nghề đi cạo vỏ gừng, gói bánh chưng, bánh tét, đánh lư đồng…
Tôi cũng thấy được sự nghiêm cẩn, coi trọng lễ nghi của người Huế trong những ngày chạp cuối năm. Dù họ chỉ nói một câu đơn giản “xưa bày nay làm” nhưng chính việc giữ gìn nếp xưa trong nhịp sống đương thời dường như đã trở thành ý thức hệ cũng những người Huế, dù thuộc hệ gì, họ gì đi chăng nữa cũng luôn hướng về tổ tiên, nguồn cội.
Nếu bạn nghĩ “lễ dựng nêu ngày Tết” đã là quá khứ, là chuyện ngày xưa để ông bà kể cho con cháu nghe những ngày tết thì quả là thiếu sót, bởi ở Huế, cứ đến ngày 23 tháng Chạp hàng năm, Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế lại tổ chức lễ dựng cây nêu (Thượng Nêu) tại Thế Miếu (Đại Nội Huế) và điện Long An (nay là Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế).

Lễ dựng nêu ngày Tết được tái hiện trang trọng tại Kinh thành Huế là một hoạt động văn hóa đặc sắc
để du khách và nhân dân địa phương trải nghiệm dịp cuối năm (Ảnh: Khám phá Huế)
Lễ dựng nêu là một hoạt động văn hóa không chỉ của riêng Huế, nhưng theo các nhà nghiên cứu văn hóa Huế, dưới thời nhà Nguyễn, lễ dựng nêu còn thể hiện uy quyền của triều đình, vì vậy phải là viên quan hàm “Tam phẩm” trở lên mới được nhận chỉ dụ của nhà vua để ra đứng chủ lễ.
Theo truyền thống nghi lễ của triều Nguyễn, cây nêu được dựng trước dinh phủ, đình chùa, trước Điện Thái Hoà và các miếu trong Đại Nội. Cây nêu là một loại cây tre cao, to, chắc và dài chừng 15 m, ngọn còn để nguyên lá. Trên ngọn nêu có buộc bùa đào ngoài việc ghi tên vị thần, còn treo câu đối Tết điển hình là câu “Tân niên nạp dư khánh/Gia tiết hiệu trường xuân” - Năm mới thừa chuyện vui/Tiết đẹp xuân còn mãi.
Ngày nêu lên, Triều đình thường cho bắn súng lệnh từ Kỳ Đài để cáo với đất trời. Tiếng súng lệnh dứt, từ khắp các huyện, phủ và triều đình để nghỉ ngơi sau một năm lao động nhọc nhằn để ăn Tết, chơi Xuân. Nếu có nhà nào dựng nêu thì phải dựng nêu sau ngày triều đình tổ chức lễ dựng nêu, đồng thời cây nêu cũng phải thấp hơn.
Lễ Ban Sóc, cái tên này khá xa lạ với rất nhiều người, nhưng đây cũng là một nghi thức đầu xuân năm mới đặc trưng của Cố đô xưa. Ban Sóc là lễ phát lịch ngày xưa của triều Nguyễn, được tổ chức định kỳ vào cuối năm Âm lịch. Người Việt xưa lấy kinh tế nông nghiệp làm trọng, nên quyển lịch đối với đời sống con người có ý nghĩa rất đặc biệt: xem lịch để theo dõi thời gian, thời tiết mà làm nông vụ, xem lịch để biết sự thay đổi tiết trời mà ứng phó, phòng tránh thiên tai.

Du khách tham quan khu di sản Huế dịp đầu năm mới (Ảnh: Khám phá Huế)
Lễ Ban Sóc được tổ chức quy mô vào đầu triều Minh Mạng. Hằng năm, sau khi nha Khâm Thiên Giám soạn lịch xong, triều đình tổ chức lễ Ban Sóc dưới sự điều hành của hai viên ở bộ Lễ và Khâm Thiên Giám. Lịch được tiến vào Hoàng cung để cho Hoàng gia dùng, lịch được phát cho các quan ở Kinh thành, ở các địa phương và phân phát lại trong dân chúng sử dụng.
Sau 180 năm, năm nay, cũng đúng vào năm Tân Sửu, lễ Ban Sóc ngày ấy đã được tái hiện qua hình thức sân khấu hóa với những trình thức, nghi tiết thuở xưa. Tái hiện lễ Ban Sóc là tái hiện tinh thần nhân văn của người xưa và là dịp để du khách, người dân cùng trải nghiệm với di sản Cố đô Huế trong ngày đầu năm mới.

Khám phá Huế tham gia truyền thông và trải nghiệm gói bánh chưng tại công ty Vietravel Huế
Nếu như nơi nhộn nhịp nhất vào dịp cuối năm là các làng nghề (hoa giấy Thanh Tiên, tranh trướng liễn làng Sình, mứt gừng Kim Long, làng hoa Phú Mậu, bánh chưng Nhật lệ, bánh tét làng Chuồn…) thì đầu xuân năm mới nơi nhộn nhịp nhất là đền, chùa và điểm đến của các lễ hội xuân. Người Huế đi lễ chùa những ngày đầu năm rất nhiều, không màu mè sính lễ nhưng cảm nhận được rất rõ sự thành kính nhằm cầu mong những điều tốt lành cho năm mới. Người Huế cũng có câu “ba ngày tết bảy ngày xuân”, tết ở Huế kéo dài ra cùng các lễ hội như hội bài chòi, hội đu tiên, hội vật làng Sình, lễ hội đua ghe, hội đền thờ Huyền Trân công chúa… Mỗi lễ hội là một sắc thái, đặc trưng khác nhau nhưng điểm chung dễ nhận thấy là các lễ hội được tổ chức gần như nguyên bản nét văn hóa dân gian, truyền thống và người dân được tham gia trực tiếp để chơi, trải nghiệm hoặc để cỗ vũ, vì vậy ai nấy đều tìm thấy niềm vui cho mình sau những hoạt động này.

Trong số các lễ hội xuân ở Huế, hội vật làng Sình là lễ hội thu hút đông đảo người dân đón chờ hàng năm (Ảnh: Khám phá Huế)
Ở Huế có nhiều điều rất lạ. Giờ khắc đầu năm mới sau lễ đón giao thừa, người Huế không đi hái lộc đầu năm nhưng các tỉnh thành khác, đặc biệt là miền Bắc và Bắc Trung bộ, thay vào đó họ lại quây quần bên nhau để ăn chén chè với ý nghĩa “ngọt ngào” cả năm. Những ngày đầu năm mới cũng thế, ngoài “đầu năm mua muối” để cho “đậm đà” như mọi miền thì món không thể không mua chắc chắn là bánh đúc mật – món bánh đặc trưng chỉ có ở Huế, và chỉ có đầu năm mới ở Huế. Bởi thế, được thưởng thức món bánh đúc mật mang một phong vị riêng, rất Huế.
Ngồi điểm lại mới chợt nhận ra một điều, Huế cái gì cũng có, thật đặc biệt. Bởi thế mà để nói hết những gì mình từng trải nghiệm với văn hóa Huế, với tết Huế thì không biết bao giờ mới hết. Chỉ biết rằng qua mỗi lần đi và trải nghiệm, lại thêm chút nặng lòng với Huế, để yêu Huế hơn và muốn chuyển tải hết tình yêu đó để quảng bá tốt hơn nữa trong tương lai, thông qua website Khám phá Huế.
Nếu có ai hỏi “Thanh xuân của tôi là gì?!” chắc có lẽ một phần thanh xuân của tôi là những bài viết về văn hóa Huế.